Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Rơ Măm trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 25/11/2022  10:42
Mặc định Cỡ chữ
Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan triển khai Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc thiểu số rất ít người (dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng, nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất vùng dân tộc Rơ Măm đã được đầu tư; lưới điện đã đến tận thôn, làng, hộ dân; quy mô trường lớp được nâng cấp, mở rộng; trạm y tế quân dân y kết hợp cơ bản đảm bảo yêu cầu chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh... Qua đó, đời sống của dân tộc Rơ Măm trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi căn bản; chất lượng dân số, tuổi thọ từng bước được cải thiện; văn hóa dân tộc Rơ Măm đang từng bước được bảo tồn...

 

Ảnh minh họa

 

Làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy nằm trên trục đường chính của xã, đồng thời cũng là trục đường Quốc lộ 14C; dân cư sinh sống tập trung thành làng riêng. Dân số Làng Le có 252 hộ, 874 khẩu với các thành phần dân tộc đang sinh sống như: Rơ Măm, Kinh, Thái, Mường, Ja Rai. Làng có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, quỹ đất lớn, nhiều vị trí có khả năng khai hoang tạo điều kiện cho phát triển sản xuất nông nghiệp, phù hợp với các cây lương thực và hoa màu (lúa ruộng, sắn, ngô lai), cây công nghiệp (cao su, điều) và chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê).

 

Dân tộc Rơ Măm tại tỉnh Kon Tum sinh sống tập trung chủ yếu tại Làng Le, xã Mo Rai với khoảng 177 hộ, 617 khẩu (chiếm tỷ lệ 70,4% số hộ dân sinh sống tại Làng Le); trong đó, có 53 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo.

 

Tập trung hỗ trợ phát triển, cải thiện cuộc sống dân tộc Rơ Măm

 

Triển khai Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các dân tộc thiểu số rất ít người, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho dân tộc Rơ Măm tại Làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy.

 

Cơ sở hạ tầng tại Làng Le đã được đầu tư tương đối đồng bộ đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, từ đó góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, thay đổi về KT-XH trong khu vực dân tộc Rơ Măm sinh sống; tạo điều kiện cho người dân đi lại, phục vụ sản xuất, vận chuyển nông, sản phẩm sau thu hoạch được thuận lợi hơn, góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho dân tộc Rơ Măm.

 

Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước về cấp cây giống, con giống và sự phối hợp, hướng dẫn của các cơ quan, đơn vị  đóng chân trên địa bàn, các hộ dân tộc Rơ Măm tự bỏ vốn hoặc vay ngân hàng chính sách để mua thêm cây giống, con giống. Diện tích cao su, điều phát triển tốt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn. Việc hỗ trợ đã góp phần giúp các hộ dân phát triển tăng số lượng con giống, diện tích cây công nghiệp dài ngày và đã ứng dụng các các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất các loại cây trồng, vật nuôi được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2020 trên địa bàn xã Mô Rai và đối với dân tộc Rơ Măm bình quân đạt 15,5 triệu đồng/người/năm; người dân đã tự đảm bảo được lương thực.

 

Bên cạnh việc thụ hưởng chính sách đặc thù riêng, dân tộc Rơ Măm còn được thụ hưởng các chính sách dân tộc hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi, từng bước được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản, được hỗ trợ nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án triển khai tại địa bàn.

 

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ học tập cho học sinh DTTS trên địa xã nói chung, dân tộc Rơ Măm nói riêng đã được triển khai nghiêm túc, đúng đối tượng và đầy đủ theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn, nâng cao chất lượng dạy học 02 buổi/ngày; duy trì sĩ số học sinh, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Trong giai đoạn 2017-2022, số học sinh dân tộc Rơ Măm tốt nghiệp trung học phổ thông hưởng chính sách ưu tiên tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, dự bị đại học có 23 em tốt nghiệp trung học phổ thông, 11 sinh viên theo học đại học, cao đẳng.

 

Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho dân tộc Rơ Măm tại Làng Le đạt được những tiến bộ rõ rệt, ngành y tế đã chủ động trong việc phòng và chữa bệnh cho Nhân dân, theo dõi nắm bắt tình hình dịch bệnh ở thôn, làng, có biện pháp xử lý không để dịch bệnh lan ra diện rộng. Triển khai thực hiện tốt việc khám, điều trị và cấp thuốc cho người dân theo chương trình 139 của Chính phủ; 100% hộ dân tại Làng Le đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

 

Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao đã có sự chuyển biến tích cực và phát triển, diễn ra thường xuyên. Khôi phục và duy trì hoạt động của các đội cồng chiêng, dệt thổ cẩm ở các thôn, làng trên địa bàn xã Mô Rai; tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền và các trò chơi dân gian khác phù hợp với truyền thống, ngày hội để chào mừng các ngày lễ lớn trong năm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được tập trung thực hiện, phát triển sâu rộng; công tác xây dựng thôn, làng, cơ quan và hộ gia đình văn hóa đạt kết quả tích cực. Thực hiện Chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình, Nhà nước đã đầu tư trạm thu phát sóng truyền hình cho xã Mô Rai, vùng phủ sóng bao trùm Làng Le nơi dân tộc Rơ Măm sinh sống; trạm thu phát truyền hình đang hoạt động tốt, chất lượng thu phát sóng đáp ứng yêu cầu của người dân.

 

Chi bộ Làng Le có 26 đảng viên, tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của thôn cũng là Chi đoàn mạnh của xã; các ban, ngành, đoàn thể tại làng, già làng, người có uy tín thực hiện tốt công tác nắm bắt tình tình an ninh chính trị tại thôn, làng; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đạt được kết quả tích cực; việc khai thác, vận chuyển lâm, khoáng sản trái phép được xử lý cương quyết, kịp thời...

 

Làng Le đạt làng thôn nông thôn mới vào năm 2024

 

Theo đánh giá kết quả thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc thiểu số rất ít người Rơ Măm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2022, mặc dù chất lượng đời sống, dân số dân tộc Rơ Măm tại Làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn khó khăn, còn khoảng cách so với các dân tộc khác trên địa bàn huyện, tỉnh; văn hóa truyền thống của dân tộc Rơ Măm có nguy cơ bị mai một; tỷ lệ người dân chưa biết đọc, biết viết chữ phổ thông vẫn còn, trình độ học vấn chưa cao; tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng vẫn còn cao; một số phong tục, tập quán còn lạc hậu; tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; một số công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư giai đoạn trước nhưng đã hư hỏng xuống cấp...

 

Để tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao vị thế; giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần một cách bền vững đối với dân tộc Rơ Măm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đề ra mục tiêu đầu tư phát triển KT-XH vùng dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, cụ thể: Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20% so với đầu năm 2020; Mức sống bình quân của dân tộc Rơ Măm tương đương với các dân tộc khác trong vùng, tăng số lượng cán bộ dân tộc Rơ Măm tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

 

Đến năm 2025, Làng Le có hệ thống cầu, đường giao thông đi khu sản xuất đi được các mùa trong năm để phục vụ đi lại và vận chuyển nông sản sau thu hoạch; có lớp học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và nhà sinh hoạt cộng đồng; Làng Le đạt làng văn hóa cấp huyện và phấn đấu đạt làng văn hóa cấp tỉnh. Hệ thống điện, công trình nước tập trung, thủy lợi tưới tiêu đảm bảo phục vụ đời sống, sản xuất theo định hướng tiêu chí nông thôn mới; 100% số hộ gia đình được hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm. Phấn đấu Làng Le đạt làng thôn nông thôn mới vào năm 2024...

 

Thái Ninh