Thứ 3, Ngày 23/04/2024 -

Xây dựng Chương trình công bố tài liệu lưu trữ
Ngày đăng: 23/06/2022  21:28
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 23/6, Bộ Nội vụ có Văn bản số 2824/BNV-VTLTNN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc Xây dựng Chương trình công bố tài liệu lưu trữ.

Theo đó, Thực hiện Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước”, Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc xây dựng Chương trình công bố tài liệu lưu trữ như sau:

 

Về yêu cầu: (1) Chương trình công bố tài liệu lưu trữ phải được xây dựng phù hợp với quy định tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và thực tế tài liệu lưu trữ tại địa phương. (2) Nội dung của Chương trình phải bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương, phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời phải xác định rõ các công việc cụ thể, nguồn kinh phí, thời gian, đơn vị thực hiện.

 

Về phạm vi công bố: (1) Phạm vi tài liệu đưa ra công bố: Tài liệu lưu trữ hiện đang bảo quản tại Lưu trữ lịch sử của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trừ những loại tài liệu có nội dung bí mật nhà nước và tài liệu thuộc diện hạn chế sử dụng. (2) Phạm vi không gian: Công bố tài liệu lưu trữ trong toàn tỉnh, toàn quốc và ở nước ngoài.

 

Về nội dung Chương trình:

 

Xác định nội dung tài liệu đưa ra công bố theo định hướng, gồm: (i) Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam qua các thời kỳ; (ii) Quá trình thay đổi địa giới hành chính, tổ chức bộ máy hành chính của địa phương qua các thời kỳ; (iii) Chính sách và kết quả thực hiện chính sách về các vấn đề: tôn giáo, tín ngưỡng và quyền con người; phát triển nông thôn, nông nghiệp và nông dân; đô thị hóa và phát triển đô thị; phát triển các ngành nghề; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… qua các thời kỳ; (iiii) Các phong trào đấu tranh, các cuộc kháng chiến giành độc lập, giải phóng địa phương; các nhân vật và di tích lịch sử - văn hóa của địa phương qua các thời kỳ.

 

Hình thức công bố: Xuất bản ấn phẩm lưu trữ (ấn phẩm giấy/ấn phẩm điện tử) dưới dạng: sách chỉ dẫn thành phần, nội dung tài liệu các phông lưu trữ; tuyển tập/toàn tập tài liệu, văn kiện; biên niên sự kiện; sách nghiên cứu, sách ảnh; Triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ (cố định, online, lưu động…); Viết bài công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ đăng trên các báo, tạp chí, trang thông tin điện tử; Xây dựng phim, phóng sự tài liệu, tư liệu, video clip, phát sóng trên các kênh truyền hình, truyền thanh quốc gia và địa phương; Sản xuất quà tặng lưu niệm quảng bá tài liệu lưu trữ (tem, bưu thiếp, lịch, cốc, tranh ảnh…); Tổ chức hội nghị, hội thảo, họp báo, toạ đàm về tài liệu lưu trữ;

 

Các hình thức khác: chương trình tương tác trực tuyến trên các nền tảng công nghệ số 4.0; bộ giáo cụ trực quan, truyện tranh, ngân hàng câu hỏi cho các cuộc thi; chương trình tương tác với độc giả như các cuộc thi tìm hiểu sự kiện lịch sử/nhân vật; các tour du lịch kết hợp tham quan cơ quan Lưu trữ - điểm đến văn hóa...

 

Tổ chức xử lý thông tin tài liệu trước khi đưa ra công bố: biên dịch tài liệu Hán - Nôm, tài liệu tiếng Pháp sang tiếng Việt; xử lý thông tin tài liệu ảnh bị sai sót, thiếu thông tin (nếu có).

 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác công bố tài liệu lưu trữ: Tổ chức, tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, đào tạo kỹ năng: truyền thông, thuyết minh, biên tập bài viết, xây dựng kịch bản nội dung, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc công bố tài liệu lưu trữ quốc gia...; Tổ chức, tham gia các hội thảo, hội nghị, khảo sát, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước.

 

Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động công bố tài liệu: xây dựng, cải tạo khu trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ; trang bị thiết bị phù hợp với các hình thức, mục đích công bố; xây dựng Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh trở thành điểm đến của công chúng.

 

Phối hợp xây dựng Cổng thông tin dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia

 

Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Cổng thông tin dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ quốc gia nhằm tích hợp, chia sẻ các dữ liệu công bố tài liệu lưu trữ tạo thành kho dữ liệu số phục vụ nhu cầu của xã hội và của công chúng, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.

 

Kinh phí thực hiện Chương trình

 

Nguồn kinh phí: (1) Ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; các chương trình, dự án, đề án có liên quan khác theo quy định của pháp luật và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện hoạt động công bố tài liệu lưu trữ hằng năm theo Chương trình, Kế hoạch hoặc Chương trình đã phê duyệt. (2) Tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

 

Căn cứ chế độ tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí hiện hành của Nhà nước và thực tế hao phí lao động, giá cả thị trường của những nội dung công việc, dịch vụ mà Nhà nước chưa ban hành, cơ quan xây dựng Chương trình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt khái toán Chương trình và dự toán chi tiết triển khai hằng năm.

 

Tổ chức thực hiện

 

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về lưu trữ, Lưu trữ lịch sử tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Chương trình.

 

Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hằng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo kết quả thực hiện Chương trình về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình./.

 

                                                                                                    Trịnh Minh