Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Hội nghị trực tuyến về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh
Ngày đăng: 20/06/2022  14:37
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 20/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố.

 

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ Y tế cho biết thời gian qua, ngành Y tế đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái, đạt được những kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu y tế được Quốc hội, Chính phủ giao đạt/vượt mức đề ra; đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh… góp phần tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội và bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

 

Tính đến ngày 18/6 cả nước đã ghi nhận trên 10,7 triệu ca mắc, hơn 9,5 triệu người đã khỏi bệnh (89%), 43.083 ca tử vong. Dịch có xu hướng giảm tương đối ổn định từ cuối tháng 3/2022 đến nay; trong những ngày gần đây chỉ ghi nhận khoảng dưới 700 ca/ngày, trong vòng 30 ngày qua có 21 ngày không ghi nhận ca tử vong. Đến nay, đã tiêm được hơn 225,2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 (tỷ lệ sử dụng đạt 98,6%).

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của COVID-19 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại; Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.

 

Tại Việt Nam, số mắc COVID-19 trong thời gian qua có xu hướng giảm mạnh nhưng số mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố. Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

 

Các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết , tay chân miệng có xu hướng tăng do đang bắt đầu vào cao điểm mùa dịch; không ghi nhận ổ dịch tập trung đối với các dịch bệnh như sởi, sốt rét...; không ghi nhận các ca bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi như viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, đậu mùa khỉ...

 

Trên cơ sở nội dung báo cáo cũng như nhận định tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào công tác tiêm chủng, đặc biệt là việc tiên mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; vấn đề thuốc và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Các đại biểu cũng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, giải pháp và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện công tác tiêm chủng phòng dịch COVID-19 cho Nhân dân.

 

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, dịch đã được kiểm soát nhưng chưa hết mà vẫn còn xuất hiện các biến chủng mới; các hoạt động kinh tế trở lại bình thường nên nguy cơ dịch còn tiềm ẩn, do vậy các cấp, ngành, địa phương vẫn phải thực hiện nghiêm các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, trong đó quan tâm đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với điều kiện mới và việc bảo phủ vắc xin...

 

Yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc tiêm vắc xin mũi nhắc lại, tiêm mũi 4 cho từng đối tượng nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Các bộ, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm chủng; quá trình tổ chức tiêm phải bảo đảm an toàn kể cả trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, phải có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp không tham gia tiêm vắc xin theo yêu cầu.

 

Đối với việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị chức năng phải thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy định, không để thiếu thuốc, vật tư gây ảnh hưởng cho công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; đồng thời, ngành Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương.

 

Minh Huệ