Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua mạng và biện pháp phòng ngừa
Ngày đăng: 15/06/2022  08:00
Mặc định Cỡ chữ
Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng Internet ngày càng gia tăng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong Nhân dân.
Những tin nhắn mượn tiền của đối tượng lừa đảo từ FB của chị Trần Thị Thu Huyền

 

Cách đây không lâu, chị Trần Thị Thu Huyền, trú tại phường Duy Tân, thành phố Kon Tum có facebook “Huyền Trần” bị hack. Chúng nhắn tin mượn tiền nhiều người thân, bạn bè của chị thông qua tin nhắn Messenger với nội dung giống nhau: Tài khoản của chị/em/cháu còn đủ 10 triệu không, nhờ chị/em/cháu gửi qua số tài khoản này giúp em/chị/cô với, tối gửi lại, đang cần chuyển cho người ta mà tài khoản lại bị lỗi.

 

Rồi khi bạn bè, người thân đồng ý, lập tức đối tượng lừa đảo gửi số tài khoản nhưng tên chủ tài khoản là một người khác, kèm theo lời giải thích là do cần gửi cho người này nên chuyển thẳng vào tài khoản cho họ. Để tăng tính “thuyết phục”, đối tượng nhắn thêm “Chuyển xong chụp lại màn hình rồi gửi qua cho chị/em/cô nha, để gửi lại cho họ phòng khi bị trục trặc và còn để nhớ mà trả nợ em/chị/cháu nữa chứ”.

 

Thủ đoạn này không mới nên khi nhận được tin nhắn mượn tiền, nhiều người thân, bạn bè của chị Huyền đã gọi điện thoại báo tin để chị khóa tài khoản, đồng thời nhờ bạn bè đăng thông tin lên fecebook để cảnh báo. Tuy nhiên, cũng do “nhẹ dạ cả tin” mà đã có một số người bạn, người thân của chị Huyền chuyển tiền cho kẻ lừa đảo chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút fecebook bị hack.

 

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Kon Tum, thời gian qua, ngoài thủ đoạn hack Facebook nhắn tin mượn tiền, thì còn 4 thủ đoạn lừa đảo phổ biến mà các đối tượng thường sử dụng, đó là: Nhận quà từ bạn nước ngoài làm quen qua mạng; Tự xưng là cơ quan chức năng gọi điện thông báo điều tra; Thông báo trúng thưởng tiền, tài sản có giá trị và gửi link giả để đánh cắp thông tin ngân hàng.

 

Trong đó, đối với thủ đoạn “Hack Facebook nhắn tin mượn tiền”, các đối tượng lừa đảo thường lập hoặc chiếm đoạt quyền quản trị tài khoản của người nào đó rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền.

 

Đối với thủ đoạn “Nhận quà từ bạn nước ngoài làm quen qua mạng”, các đối tượng lừa đảo tự giới thiệu là người nước ngoài, kết bạn, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân thông qua mạng xã hội. Sau một thời gian nói chuyện, cảm thấy đã tạo được lòng tin ở đối phương, đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, yêu cầu người bị hại nộp tiền để nhận quà với các lý do khác nhau như cước vận chuyển, thuế, phí…vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt.

 

Đối với thủ đoạn “Tự xưng là cơ quan chức năng gọi điện thông báo điều tra”, các đối tượng lừa đảo thường giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc giả mạo Cổng thông tin điện tử của Công an để thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra. Sau đó, khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với lý do để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt.

 

Đối với thủ đoạn “Thông báo trúng thưởng tiền, tài sản có giá trị”, đối tượng lừa đảo sẽ gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng xe máy, điện thoại, đồng hồ hoặc tiền mặt… có giá trị lớn. Sau đó, yêu cầu người bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

 

Còn đối với thủ đoạn “Gửi link giả để đánh cắp thông tin ngân hàng”, đối tượng gửi tin nhắn SMS giả mạo của ngân hàng để lừa khách hàng truy cập vào đường link giả, sau đó yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ,... khi có được các thông tin này, đối tượng sẽ rút tiền trong tài khoản của nạn nhân. Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập để rút tiền trong tài khoản mới biết mình đã bị lừa.

 

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc đăng tải lên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.

 

Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội, kể là của người thân, bạn bè. Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện thoại cho người đó trước, xác nhận lại nội dung chuyển tiền.

 

Cảnh giác với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, đặc biệt là các số máy có đầu số nước ngoài. Không mua, bán, cho mượn Giấy chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát.

 

Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

 

Không cung cấp tên đăng nhập (username), mật khẩu truy cập/mã PIN Internet banking, mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng.

 

Không nhập tên đăng nhập, mật khẩu truy cập/mã PIN Internet banking, mã OTP, số tài khoản…của mình vào trang web hoặc liên kết khác với những trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng.

 

Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến các hành vi lừa đảo trên, người bị hại cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất. Riêng phát hiện hành vi lừa đảo giao dịch bằng Internet banking, người bị hại thông báo ngay qua đường dây nóng hoặc Tổng đài hỗ trợ khách hàng của ngân hàng đang sử dụng dịch vụ để được hỗ trợ kịp thời./.

 

Dương Nương