Thứ sáu, Ngày 26/04/2024 -

Phát triển du lịch Kon Tum trong mối liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ
Ngày đăng: 27/05/2022  17:30
Mặc định Cỡ chữ
Cùng với cả nước, ngành du lịch của tỉnh Kon Tum đang được phục hồi và phát triển sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19. Du lịch Kon Tum đang được chú trọng phát triển trong mối liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

Hồ Đăk Ke nằm trong Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen,

huyện Kon Plông

 

Gần đây nhất, một Diễn đàn Du lịch lớn với chủ đề "Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng" đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Kon Tum tổ chức với sự tham gia của các Bộ, ngành trung ương; Tổng Cục du lịch, các tỉnh khu vực Duyên hải nam Trung bộ và Tây Nguyên; 4 tỉnh Nam Lào (Attapư, Sê Kông, Chămpasắc, Salavan), tỉnh Rattanakiri, Stungtreng (Campuchia); các chuyên gia kinh tế và phát triển du lịch cùng trên 300 doanh nghiệp lữ hành.

 

Tại Diễn đàn, Bộ, ngành Trung ương; các địa phương, tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến tâm huyết xoay quanh vấn đề đánh giá tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch cũng như các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, Kon Tum có tiềm năng rất lớn về du lịch với nhiều lợi thế riêng có như nằm tại ngã ba biên giới Đông Dương, có Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen - Đà Lạt "Bắc Tây Nguyên", nhà thờ Gỗ thanh khiết và bình yên.... Tuy nhiên, phát triển du lịch Kon Tum phải gắn với mối liên kết với các tỉnh vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

 

Vì vậy, định hướng liên kết phát triển với các tỉnh Tây Nguyên là hướng tới hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng: từ quy hoạch, phát triển hạ tầng, sản phẩm, xúc tiến quảng bá và hỗ trợ phát triển. Ví dụ liên kết với Gia Lai khai thác sân bay Pleiku; du lịch Hồ Yaly....Liên kết với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ hướng tới kết nối điểm đến, chia sẻ thị trường, bổ sung thị trường ngách. Ví dụ liên kết với Quảng Nam để quảng bá chung thương hiệu du lịch văn hóa Sâm Ngọc Linh...

 

Cột mốc ngã ba biên giới Đông Dương - là 1 trong những điểm du lịch độc đáo khi đến với Kon Tum

 

Từ ý tưởng của các chuyên gia, 6 tỉnh khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ là Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum đã ký kết  chương trình hợp tác phát triển du lịch nhằm huy tối đa tài nguyên du lịch của từng địa phương; hình thành các tour du lịch chung 6 tỉnh mang đặc trưng riêng của mỗi địa phương, nhằm xây dựng thương hiệu chung của 6 tỉnh; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước con người và phong tục tập quán của từng địa phương đến với du khách trong và ngoài nước nhằm mở rộng và phát triển thị trường...tạo động lực phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư các địa phương.

 

Theo đó, nội dung hợp tác tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch và phát triển phát triển nhân lực du lịch

 

Cụ thể, đối với hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, kiến nghị Trung ương tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch, nhất là hạ tầng lĩnh vực hàng không đối với các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Đăk Lăk, Gia Lai. Phối hợp tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng giải quyết các vấn đề về giao thông để các công ty du lịch đưa đón khách du lịch được thuận lợi và an toàn.

 

Đối với hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, tập trung vào trao đổi thông tin về quy hoạch, kế hoạch ngắn và dài hạn, tình hình hoạt động du lịch theo từng năm; tình hình thị trường, phát triển sản phẩm, kế hoạch xúc tiến và các chính sách đối với cộng đồng, doanh nghiệp về những vấn đề trên; nguồn nhân lực và công tác đào tạo du lịch; kinh nghiệm quản lý nhà nước về các lĩnh vực lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách du lịch, dịch vụ du lịch; những khó khăn, vướng mắc, các giải pháp...

 

Đối với hợp tác phát triển sản phẩm du lịch: Xây dựng và thực thi kế hoạch hợp tác phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, trong đó sản phẩm du lịch ở mỗi địa phương mang tính đặc thù, có yếu tố khác biệt tại mỗi điểm đến, có tính cạnh tranh cao với các điểm đến khác và vùng khác nhằm hấp dẫn thị trường khách du lịch quốc tế, thu hút thị trường khách du lịch nội địa. Các cơ sở lưu trú du lịch có cơ chế chính sách ưu đãi về giá nhưng vẫn đảm bảo chất lượng phục vụ cho các công ty lữ hành, các đoàn Famtrip, Presstrip của các tỉnh.

 

 Trước mắt, tập trung phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch chung 6 tỉnh trong khuôn khổ tham gia các Hội chợ du lịch trong nước tổ chức theo định kỳ hàng năm (VITM Hanoi, ITE HCMC…); xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của 6 địa phương, lấy điểm nhấn là tài nguyên núi, biển, các hệ sinh thái tự nhiêncác giá trị văn hóa bản địa với các sản phẩm đa dạng, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch các thị trường quốc tế và nội địa; liên kết tổ chức các sự kiện du lịch chung cho 6 tỉnh nhằm tạo thành chuỗi sự kiện, trong đó mỗi sự kiện du lịch cũng sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch khai thác một sản phẩm hay một chương trình du lịch mới, có đủ các điều kiện dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.

 

Đối với hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tập trung vào liên kết xây dựng các sản phẩm để quảng bá, xúc tiến du lịch chung như: xây dựng phim quảng bá du lịch, cẩm nang du lịch, xây dựng gian hàng chung của 6 tỉnh tại các sự kiện: hội chợ, triển lãm, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Hợp tác trong công tác tuyên truyền quảng bá liên vùng, trong đó tập trung phát triển e-Marketing, tham gia và vận động doanh nghiệp địa phương tham gia Hội chợ du lịch quốc tế trong và ngoài nước, tổ chức các đoàn giới thiệu sản phẩm du lịch cho các phóng viên báo chí nhằm quảng bá cho các tỉnh trong chương trình liên kết. Phối hợp tổ chức đón các đoàn Famtrip, Presstrip trong và ngoài nước đến khảo sát tại các địa phương.

 

Đối với hợp tác phát triển nhân lực du lịch tập trung vào nâng cao chất lượng lao động trong ngành du lịch theo định hướng chung, theo quy chuẩn chung; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về các lĩnh vực lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch, dịch vụ du lịch…

 

Thực hiện chính sách Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng tham gia để đẩy nhanh công tác đào tạo lại và bồi dưỡng lực lượng lao động trong du lịch; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý ngành du lịch; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về du lịch cho cộng đồng địa phương; tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng nghề du lịch cho các nhân viên phục vụ tại các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ du lịch và các đơn vị lữ hành.

 

Kon Tum không chỉ có vị trí quan trọng về địa lý, mà còn có nhiều di tích, di sản văn hóa có giá trị lớn. Tin tưởng với tiềm năng và lợi thế riêng có, các nhà đầu tư sẽ đến với Kon Tum, kết nối du lịch với Kon Tum để không riêng du lịch Kon Tum mà du lịch Tây Nguyên và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ nói chung sẽ khởi sắc, bắt kịp đà phát triển du lịch của cả nước.

 

Dương Nương