Thứ 5, Ngày 18/04/2024 -

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
Ngày đăng: 18/06/2021  15:48
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 18/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu của tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của tỉnh và một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

 

Theo báo cáo tại Hội nghị, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế, trong đó đã thành lập 03 khu nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao (CNC), 09 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, 45 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030; đang triển khai xây dựng Đề án công nghiệp sinh học trong nông nghiệp. Trong đó ưu tiên triển khai các chương trình phục vụ phát triển trên nền tảng công nghệ số trong ngành nông nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu lớn (Big data) về nông nghiệp nhằm phát huy công tác dự báo, phân tích, đánh giá, quản lý và phát triển thị trường nông lâm thủy sản.

 

Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ 4.0 như công nghệ không gian, GIS, Viễn thám, IOT, Big data, AI,… công nghệ thông tin trong dự báo nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành, lĩnh vực nông nghiệp; dự báo, phân tích chính sách, thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, công nghiệp chế biến và dịch vụ hậu cần hỗ trợ nông nghiệp.

 

Ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số trên 3 trục sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm là đặc sản của địa phương (theo mô hình mỗi xã một sản phẩm) phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Về tầm nhìn chuyển đổi số trong lĩnh vực nông ngiệp đến năm 2030 được  xác định nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “ Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

 

Mục tiêu đến năm 2025 về phát triển Chính phủ số trong nông nghiệp đó là cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân năng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.

 

Đối với tỉnh Kon Tum, đến nay việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đạt một số kết quả như giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt 17,16% so với tổng giá trị sản phẩm nông lâm thuỷ sản năm 2020; đã thành lập và đưa vào hoạt động 01 Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Măng Đen; một số khu nông nghiệp ứng dụng CNC còn lại đang hoàn thiện hồ sơ hình thành.

 

Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác quản lý bảo vệ rừng; hỗ trợ tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác, hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, xây dựng hồ sơ sản phẩm cho các sản phẩm nông lâm thuỷ sản; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho 58 sản phẩm; 02 Chỉ dẫn địa lý cho 02 sản phẩm; hỗ trợ bao bì, nhãn mác cho 71 sản phẩm; hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 66 sản phẩm; hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho 64 sản phẩm; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho 55 sản phẩm;…..

 

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hoá cho 05 doanh nghiệp; hỗ trợ triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng (áp dụng ISO 9001:2015, ISO 14001:2015) cho 11 doanh nghiệp; hỗ trợ đăng ký, sử dụng mã số mã vạch cho 10 doanh nghiệp.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh chuyển đổi số giúp chúng ta thay đổi vị thế và thứ hạng và phát triển quan trọng nhất là thứ hạng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thì chỗ nào, nơi nào, việc nào nhiều khó khăn nhất và khó khăn kéo dài thì chỗ đó, nơi đó, việc đó thực hiện chuyển đổi số sẽ hiệu quả nhất và sẽ thành công; bà con nông dân đang là khó khăn nhất, chuyển đổi số nhằm vào việc lớn, và việc lớn này là liên quan đến nhiều người; giải quyết khó khăn cho người nông dân là nâng cao giá trị sản phẩm nông sản thông qua sàn thương mại điện tử, kết nối được mọi người nông dân và mọi người tiêu dùng; bà con nông dân đưa được sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử và mỗi sản phẩm ở mỗi vùng đất có thương hiệu riêng, có xuất xứ và không bị làm giả,... .

 

Bộ trưởng Bộ TT & TT cũng nhấn mạnh và khẳng định, chuyển đổi số sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị về đào tạo, y tế... Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành với Bộ NN &PTNT trong quá  trình chuyển đổi số trong lĩnh vực NN & PTNT.

 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan khẳng định Bộ sẽ cố gắng, bắt tay ngay vào chuyển đổi số để không lỡ nhịp tàu trong chuyến tàu chuyển đổi số; hy vọng rằng Bộ NN và Bộ TT&TT sẽ tiên phong trong chuyển đổi số, mặc dù việc thay đổi sẽ khó khăn.

 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chuyển đổi số sẽ là cú hích cho sự phát triển nông sản; bằng công nghệ và tư duy để người nông dân kết nối làng xã và vượt ra khỏi làng xã của mình, kết nối với các làng xã khác,...  Cách mạng 4.0, chuyển đổi số được ví như một cơn gió và người ta mượn cơn gió đó để phát triển,.../.

 

Vũ Huệ