Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19
Ngày đăng: 16/04/2021  16:39
Mặc định Cỡ chữ
Sáng 16/4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì Hội nghị.

 

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Y Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của tỉnh; lãnh đạo Sở và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.

 

Thời gian qua, thế giới triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng tình hình dịch vẫn là thách thức lớn với toàn cầu và Việt Nam. Các nước trong khu vực hiện đang đưa ra cảnh báo về tình trạng khủng hoảng kinh tế do COVID-19; nhiều nước quay trở lại việc phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội. Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm số các ca mắc, tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn còn diễn ra hàng ngày, đến nay, tròn 21 ngày Việt Nam không có ca mắc trong cộng đồng.

 

Trước tình hình số ca mắc các nước láng giềng đang tăng cao, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, phải chuẩn bị kịch bản khi có dịch: Nâng cấp cơ sở xét nghiệm để đáp ứng tình hình lấy mẫu xét nghiệm; chuẩn bị cho kịch bản cách ly trên diện rộng; chuẩn bị hậu cần cho cách ly; chuẩn bị tình huống cho công tác điều trị…

 

Sau hơn một tháng thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho hơn 70.000 người là các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố, đảm bảo an toàn tối đa theo phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

 

Việt Nam hiện chỉ có khoảng một phần nghìn trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tất cả đều được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng vaccine AstraZeneca.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, các cơ sở y tế, tiếp tục thực hiện khai báo y tế; các địa phương kiến nghị với người dân cài sổ sức khỏe điện tử có gắn mã QR code; đề xuất chiến lược phòng chống dịch COVID-19 theo phương châm 4 tại chỗ và thực hiện chiến lược 5K cộng vaccine; tăng cường quản lý chặt chẽ tình hình nhập cảnh; giám sát người có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế, cộng đồng và đẩy nhanh khẩn trương tiêm vắc xin đợt 2 trước ngày 15/5/2021.

 

Đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống mới xảy ra, rà soát, đánh giá các bài học chống dịch vừa qua đồng thời tập huấn cho các cán bộ chuyên môn về công tác phòng, chống dịch.

 

Tại Hội nghị, đại diện Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và khẳng định vaccine là một trong những biện pháp phòng, chống COVID-19; tuy nhiên, vaccine không phải là biện pháp duy nhất phòng, chống dịch. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua../.

 

                                                                                                       Minh Huệ