Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ được chú trọng triển khai
Ngày đăng: 05/03/2021  14:44
Mặc định Cỡ chữ
Nông nghiệp của tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển theo chiều sâu. Việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng "cánh đồng lớn", phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được chú trọng triển khai, một số sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu.

 

Sâm Ngọc Linh giống được trồng tại huyện Tu Mơ Rông

 

Đến nay, tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Kon Plông, huyện Đăk Hà; đang đầu tư Khu nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Kon Tum; hình thành 02 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nhận 02 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Kon Plông và Đăk Hà.

 

Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chính cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh khoảng 175.033,2 ha (diện tích vụ đông xuân 10.409,4 ha, diện tích vụ mùa 164.623,8 ha). Trong đó, diện tích một số cây trồng chính như cao su 74.498 ha; cà phê 22.654 ha.

 

Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác tiếp tục được mở rộng, trồng mới, tạo ra được các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến; trong đó, đã phát triển được trên 660 ha sâm Ngọc Linh. Một số loại cây dược liệu như Hồng đẳng sâm, Đương quy...phát triển tốt. Toàn tỉnh đã có khoảng 1.264,5 ha trồng dược liệu, sản lượng đạt khoảng 4.605 tấn.

 

Nuôi trồng, khai thác thủy sản tăng trưởng khá, sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 4.852 tấn, tăng 1.543 tấn so với năm 2015. Lĩnh vực lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đã trồng mới được 2.125,7 ha, diện tích rừng tự nhiên được phục hồi do khoanh nuôi bảo vệ 2.022  ha, góp phần duy trì và nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 63%.

 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã được triển khai, đến nay đã có 35 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng 03 sao, 04 sao.

 

Đến nay toàn tỉnh có 115 Hợp tác xã Nông nghiệp, trong đó thành lập mới trong năm 2019 là 31 Hợp tác xã. Doanh thu bình quân 01 tỷ đồng/HTXNN, tăng 6,3% so với năm năm 2018; Lợi nhuận bình quân khoảng 300 triệu đồng/HTXNN; tăng 5,3% so với năm 2018; Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 45 triệu đồng/người/năm.

 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 08 HTX (Hợp tác xã Đồng hành cùng nhà nông Hoàng Nguyên Bách, thành phố Kon Tum; Hợp tác xã chăn nuôi công nghệ cao, thành phố Kon Tum; Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và thương mại Sáu Nhung, huyện Đăk Hà; Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng - Pô Cô, huyện Đăk Hà; HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thế hệ mới Đak Mar, huyện Đak Hà; Hợp tác xã rau hoa xứ lạnh và du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông; HTX NN và DV, TM Rạng Đông, huyện Đăk Tô; Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ và thương mại Đoàn Kết, huyện Sa Thầy ) và 03 Tổ hợp tác (Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn 1/5, Phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum; Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Ngọc Yên, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi; Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn 3, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi) đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản; có 01 HTX với 01 sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 04 sao; có 06 Hợp tác xã với 09 sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 03 sao.

 

Sâm dây khô - sản phẩm đặc trưng của tỉnh

 

Để thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh, phê duyệt Danh mục dự án phát triển liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020 thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030; triển khai Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025...Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí bình quân khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/huyện, thành phố để các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

 

Do vậy, đến nay một số ngành hàng chủ lực của tỉnh như cà phê, cao su, mía đường, dược liệu, rau củ quả...đã hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất gắn với chế biến, tiêu thu sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với các hộ nông dân từ khâu cung ứng dịch vụ đầu vào (giống, vật tư, phân bón), hỗ trợ đầu tư, kỹ thuật cho người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân.

 

Tuy nhiên, các chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặc chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng trong các khâu của chuỗi liên kết. Hiện nay đa số các chuỗi liên kết mới chỉ dừng lại ở khâu nhà nước hỗ trợ giống, vật tư, người dân tự sản xuất và doanh nghiệp thu mua sản phẩm; các liên kết hiện nay các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở hợp đồng liên kết miệng và có biên bản ghi nhớ bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân, chưa có hợp đồng liên kết cụ thể cho từng sản phẩm. Số lượng các mô hình liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, phân tán, không tập trung, sản phẩm không thường xuyên nên việc liên kết tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn; Việc thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đủ tiềm lực tham gia chuỗi liên kết còn gặp nhiều khó khăn...

 

Định hướng trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến; Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác và hợp tác xã kiểu mới; Rà soát, đẩy mạnh dồn đổi tích tụ đất đai để phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và thị trường tiêu thu sản phẩm; Nâng cao hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Tập trung phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

 

Phấn đấu đến năm 2025, ổn định diện tích trồng sắn toàn tỉnh khoảng 34.100 ha; diện tích cà phê toàn tỉnh khoảng 25.000 ha, trong đó sản lượng chế biến sâu khoảng 1.400 tấn; ổn định diện tích cao su khoảng 70.000 ha; diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; 10.000 ha cây ăn quả và trồng mới khoảng 15.000 ha rừng.

 

Dương Nương