Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Chỉ đạo nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tuần từ ngày 22-26/02/2021
Ngày đăng: 28/02/2021  10:32
Mặc định Cỡ chữ
(kontum.gov.vn): Phối hợp QLNN về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Quy định theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo; Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế; Nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Phối hợp ngăn chặn vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch COVID-19; Chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp và tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tuần từ ngày 22-26/02/2021.

 

Ảnh minh họa

 

Phối hợp quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

 

Tại Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 22/02/2021, UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND ngày 10/6/2015 của UBND tỉnh Kon Tum.

 

Quy chế này quy định về nguyên tắc, trách nhiệm và nội dung phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị, tổ chức trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh, như: Xây dựng văn bản QPPL; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật; Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm công tác đăng ký biện pháp bảo đảm; Xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu; Kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất; Cập nhật, công bố thông tin về tài sản thế chấp sau khi thực hiện đăng ký; Thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án, giải tỏa tài sản kê biên thi hành án; Tổ chức giao ban, sơ kết, tổng kết; Rà soát, thống kê, báo cáo định kỳ, đột xuất; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

 

Quy định theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo.

 

Tại Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 25/02/2021, UBND tỉnh ban hành quy định về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/3/2021.

 

Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo nguyên tắc: Các hoạt động được tiến hành thường xuyên, kịp thời, khách quan, công khai, minh bạch và tuân thủ quy định của pháp luật; Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; Được tiến hành đối với từng vụ việc hoặc đồng thời nhiều vụ việc tùy theo mức độ phức tạp của vụ việc; Chánh Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra cấp huyện có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo trong phạm vi chức năng, quyền hạn do pháp luật quy định.

 

Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế.

 

Tại Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 25/02/2021, UBND tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Kon Tum.

 

Về nguyên tắc trang bị, sử dụng xe ô tô chuyên dùng: Các đơn vị hành chính, sự nghiệp y tế trực thuộc Sở Y tế căn cứ vào số lượng xe ô tô chuyên dùng được mua sắm và nhu cầu sử dụng của cơ quan, đơn vị để đề nghị người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc trang bị, mua sắm, điều chuyển xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế nhằm phục vụ công tác chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nghiêm cấm việc sử dụng xe ô tô chuyên dùng vào việc riêng; trao đổi, cho mượn hoặc điều chuyển cho bất cứ cơ quan, đơn vị, cá nhân nào nếu không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/3/2021; bãi bỏ Quyết định số 1009/QĐ-UBND ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh Kon Tum về việc quy định (tạm thời) tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

 

Thực hiện Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 131-KH/TU ngày 25/5/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; UBND tỉnh ban hành Chương trình hành với các nhiệm vụ và giải pháp như: (1) Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là hợp tác xã kiểu mới; vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (2) Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan; (3) Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; (4) Tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thành lập, phát triển thêm các hợp tác xã, tổ hợp tác, coi trọng mở rộng quy mô thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao vai trò chủ thế của các thành viên tham gia; (5) Củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh; (6) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

 

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng Chương trình, Kế hoạch thực hiện; triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và thực hiện hiệu quả Chương trình.

 

Phối hợp ngăn chặn vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch COVID-19.

 

Để tăng cường công tác phối hợp ngăn chặn vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất tiếp tục điều động lực lượng Dân quân tự vệ phối hợp với các Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn các huyện biên giới nhằm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động vượt biên và xuất, nhập cảnh trái phép trên địa bàn khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh.

 

Giao BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với lực lượng Dân quân tự vệ trên địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khu vực vành đai biên giới, các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu nhằm kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực biên giới để phòng chống, đấu tranh và ngăn chặn kịp thời các hoạt động vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

 

Yêu cầu UBND các huyện biên giới chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý, bảo vệ biên giới để người dân biết, tham gia quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn, tố giác các hoạt động vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và các phương tiện ra vào khu vực biên giới tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép trong khu vực.

 

Chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp và tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

 

Ngày 26/02/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại tài nguyên rừng, nhất là hành vi phá rừng trái phép, chuẩn bị tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2020 - 2021, cụ thể:

 

(1) Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị chủ rừng tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

 

(2) Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng: Tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn về các quy định, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng để người dân hiểu, đồng tình, ủng hộ trong việc ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, không tham gia phá rừng trái phép; Rà soát, bố trí đủ đất sản xuất cho người dân để yên tâm phát triển kinh tế, ổn định đời sống, không để người dân thiếu đất sản xuất đi phá rừng làm nương rẫy; Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn quản lý theo quy định; Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; chịu trách nhiệm chính trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện. Kịp thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm.

 

(3) Yêu cầu các cơ quan liên quan: Đánh giá, kiện toàn lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là các vụ phá rừng trái phép đã xác định được đối tượng vi phạm (nhất là đối tượng cầm đầu, chủ mưu), sớm đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật; Tăng cường đưa tin, phát sóng các nội dung tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng; phản ánh kịp thời kết quả xét xử các vụ án trong lĩnh vực lâm nghiệp nhằm tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

 

Thái Ninh