Thứ 3, Ngày 16/04/2024 -

Hội nghị triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)
Ngày đăng: 06/08/2020  17:28
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 06/8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cách đây hơn một năm (ngày 30/6/2019), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) được ký kết, thể hiện tư duy chiến lược, mở ra không gian hợp tác rộng lớn giữa Việt Nam và EU, vì hòa bình, phồn thịnh của mỗi quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi  không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng, do đó EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu...

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày tổng quan về Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Chính phủ và những vấn đề mà các Bộ, ngành, địa phương cần lưu ý để bảo đảm thực thi hiệu quả Hiệp định. Theo đó Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể. Kế hoạch xây dựng các nhiệm vụ và nhóm giải pháp cụ thể thực hiện, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững...

Trên cơ sở định hướng của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã thảo luận, đề xuất các giải pháp liên quan đến việc triển khai thực thi Hiệp định, như: Công tác truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng; các giải pháp để tận dụng hiệu quả cam kết; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; các yêu cầu về phát triển bền vững; vấn đề về phát triển hạ tầng cơ sở để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; vấn đề về cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU.

 

Tại Kon Tum, triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ triển khai Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020-2025, cụ thể: Giai đoạn 1 (năm 2020), tập trung hoàn tất các công việc liên quan đến rà soát, ban hành văn bản của địa phương trong thực hiện EVFTA; tổ chức các hoạt động tuyên truyền ở các cấp độ khác nhau, lưu ý tính chuyên sâu, hạn chế tuyên truyền chung chung, hình thức; giai đoạn 2 (từ 2021-2025), tiếp tục triển khai việc sửa đổi, ban hành văn bản thực hiện EVFTA; tập huấn, đào tạo cán bộ, có cơ chế đánh giá kết quả thực hiện; xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tập trung vào lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh...

 

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Khi có hiệu lực, Hiệp định EVFTA như một tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại kết nối EU với Việt Nam”, các doanh nghiệp Việt Nam và EU tiếp cận thuận lợi hơn với nhau; tuy nhiên, để vận hành và khai thác hiệu quả đường "cao tốc" này, còn nhiều việc cần phải làm.

 

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động tích cực triển khai kế hoạch hành động với 5 nhiệm vụ lớn, 41 nhiệm vụ cụ thể; căn cứ vào kế hoạch chung để đưa ra hành động cụ thể của ngành, lĩnh vực, địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông; xây dựng đường dây nóng, tư vấn, giải đáp câu hỏi của người dân và doanh nghiệp về Hiệp định; cùng với cải cách thể chế, xây dựng các văn bản pháp luật, phải tiếp tục cải cách hành chính và áp dụng Chính phủ điện tử để triển khai, thực hiện Hiệp định này.

 

Đối với các Hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ khuyến nghị cần phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, chú ý hơn đến việc bảo đảm các nghĩa vụ xã hội, tiêu chuẩn lao động và nguyên tắc bảo vệ môi trường.

 

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ sẽ đảm nhận vai trò kiến tạo phát triển, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, định hướng, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hành động để có thể nắm bắt được các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại./.

 

Lê Hằng