Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Ngày đăng: 14/10/2019  21:01
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 10/10/219, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2632/KH-UBND về triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 

Kế hoạch đặt ra một số mục tiêu cơ bản, như: Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, giảm theo từng năm, phấn đấu đến hết năm 2020, giảm 5% số xã có tệ nạn ma túy và giảm mức độ phức tạp của xã trọng điểm so với giai đoạn 2012 - 2015; tiếp tục duy trì, không để phát sinh tệ nạn ma túy đối với xã không có tệ nạn ma túy; 100% người trong nhóm nguy cơ cao mắc tệ nạn ma túy được tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, tránh ma túy, ngăn chặn đà gia tăng người nghiện ma túy; hằng năm phấn đấu triệt xóa từ 05 - 10% số điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, 80% số người nghiện và sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện; phấn đấu mỗi huyện, thành phố mỗi năm xây dựng được 01 mô hình điểm về phòng, chống ma túy tại xã. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp về ma túy; triệt xóa 100% diện tích cây có chứa chất ma túy trồng trái phép được phát hiện, không để phát sinh tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy ở những địa bàn mới.

 

Để triển khai có hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đề ra 06 nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể:

 

Tăng cường đẩy mạnh và phát huy vai trò quản lý của UBND cấp xã về công tác phòng, chống ma túy: Nâng cao năng lực cho BCĐ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp cơ sở; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, trường học và Nhân dân; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của các tổ chức đảng, đảng viên đối với công tác phòng, chống ma túy...

 

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy tại các xã: Sử dụng có hiệu quả hệ thống truyền thông ở cấp xã; tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; tổ chức tuyên truyền, vận động cá biệt, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao.

 

Rà soát, thống kê, phân loại tình trạng tệ nạn ma túy tại xã; phân loại người nghiện ma túy và lập hồ sơ quản lý: Phát động quần chúng Nhân dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin; rà soát, phát hiện người nghiện mới; hỗ trợ hoạt động của các cơ sở cai nghiện, các cơ sở quản lý sau cai, cơ sở điều trị Metadone; định kỳ có kế hoạch điều tra cơ bản, rà soát, đánh giá tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

 

Tập trung tổ chức công tác điều trị nghiện, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai: Rà soát, thành lập Tổ công tác tại xã, phường, thị trấn; xây dựng các điểm cắt cơn nghiện, tư vấn cai nghiện tại cộng đồng; đánh giá về tình trạng nghiện, hoàn cảnh gia đình, nhân thân của người nghiện ma túy; tạo điều kiện cho người cai nghiện được học nghề, tìm việc làm, vay vốn, sản xuất, kinh doanh và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội.

 

Tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy; quản lý địa bàn không để hình thành điểm nóng về ma túy ở cơ sở: Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và triệt xóa kịp thời các điểm, tụ điểm mua bán ma túy trên địa bàn; mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy; chủ động phòng ngừa, phát hiện và triệt xóa các tụ điểm, điểm mua bán ma túy lẻ tại xã, phường, thị trấn. Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xây dựng các chốt lưu động kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy và địa bàn có nguy cơ phát sinh phức tạp về ma túy. Củng cố, duy trì nâng cao hiệu quả thu thập thông tin liên quan tệ nạn ma túy qua các “đường dây nóng”, “hòm thư tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy”. Mở rộng và nâng cao chất lượng của các mô hình hoạt động có hiệu quả trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy ở khu dân cư như: “Tổ đoàn kết”, “Khu phố tự quản”, “Tổ an ninh nhân dân”…

 

Vận động Nhân dân không trồng cây có chứa chất ma túy; tổ chức kiểm tra, phát hiện và phá nhổ cây có chứa chất ma túy: Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia vận động, tuyên truyền chống tái trồng cây có chứa chất ma túy; tổ chức cho người dân trên địa bàn ký cam kết không trồng cây và tái trồng cây có chứa chất ma túy; nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện và phá nhổ cây có chứa chất ma túy, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh, vùng biên giới…/.

 

Thái Ninh