Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Chỉ đạo, điều hành nổi bật từ ngày 19 đến ngày 23/8/2019
Ngày đăng: 25/08/2019  12:53
Mặc định Cỡ chữ
(kontum.gov.vn): Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh; Một số giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; Tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất; Triển khai các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống Sâu keo mùa thu hại ngô... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 19 đến ngày 23/8/2019.

 

Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật:

 

Triển khai Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tích cực phối hợp với lực lượng Công an triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.

 

Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh tội phạm và các điểm nóng về an ninh trật tự. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo, phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh để triển khai các Đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình an ninh trật tự, về các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong ngành, địa bàn quản lý.

 

Giao Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn; nâng cao chất lượng điều tra khám phá các vụ án. Đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, ma túy, “tín dụng đen”... tổ chức điều tra triệt phá tận gốc, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu theo đúng quy định của pháp luật...

 

Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh:

 

Thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021 với mục đích tiếp tục kéo giảm tai nạn giao thông, phấn đấu giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông mỗi năm từ 5% đến 10%; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đẩy mạnh triển khai các đề án, dự án về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.

 

Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; lồng ghép mục tiêu an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao thông trong các đề án, quy hoạch, kế hoạch, chương trình… đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự xây dựng; kiên trì xây dựng văn hoá giao thông an toàn và thân thiện cho mọi tầng lớp nhân dân.

 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Tập trung triển khai bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo dưỡng nhằm bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông  đường bộ trên địa bàn tỉnh.

 

Đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành; phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị, nội tỉnh và liên tỉnh. Tăng cường quản lý các đơn vị kinh doanh vận tải đảm bảo các điều kiện quy định về an toàn giao thông, kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; trong đó, chú trọng công tác hậu kiểm. Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn.

 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm đô thị. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đào tạo và cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy nội địa; đăng ký, đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa. Quản lý chặt chẽ việc đầu tư xây dựng hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... trong khu vực đô thị phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.

 

Triển khai một số giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh:

 

Xét báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT về kết quả kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Chủ tịch UBND yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn hiện đang xảy ra dịch, các cơ quan chuyên môn triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; kịp thời hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đa dạng phương pháp (như: phát tờ rơi, tập huấn...), trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng để người dân, người chăn nuôi biết và nâng cao hơn nữa ý thức trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt chú trọng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

 

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ trong phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi của các huyện, thành phố, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Chính phủ theo quy định; chủ động phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Kon Tum xây dựng các tin, bài về các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tiếp tục tăng cường cán bộ có chuyên môn hỗ trợ các huyện thành phố trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; chịu trách nhiệm xây dựng các tờ rơi về nội dung hướng dẫn việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đảm bảo ngắn gọn, xúc tích, đúng quy định để Ủy ban nhân dân các huyện thành phố triển khai tuyên truyền.  Khẩn trương liên hệ với các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tiến hành đánh giá, lựa chọn và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện.

 

Tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất:

 

Ngày 22/8/2019, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 643/QĐ-UBND tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, cụ thể:

 

Trung tâm Phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng để hoạt động theo quy định của pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC ngày 04/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

 

Về cơ cấu tổ chức, lãnh đạo Trung tâm gồm Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc; có 02 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; tùy theo sự phát triển của Trung tâm cần thiết sẽ thành lập thêm các Phòng chức năng khác khi có đủ điều kiện theo yêu cầu.

 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và bãi bỏ Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 25/11/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

 

Triển khai các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống Sâu keo mùa thu hại ngô:

 

Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan liên quan về tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về phòng, chống Sâu keo mùa thu hại ngô; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng Quy trình kỹ thuật phòng, chống Sâu keo mùa thu hại ngô hiệu quả, an toàn; khẩn trương, rà soát nắm rõ diện tích trồng ngô, phân bố, giai đoạn sinh trưởng; điều tra, xác định mật độ, tuổi sâu, phân bố và diện tích nhiễm sâu keo mùa thu trên địa bàn.

 

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo đơn vị trực thuộc tổ chức thông tin, tuyên truyền thường xuyên về tình hình phát sinh gây hại và công tác chỉ đạo phòng, chống Sâu keo mùa thu hại ngô; chủ động phối hợp, hướng dẫn địa phương, người dân các biện pháp biện pháp kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu phù hợp và hiệu quả, không để lây lan thành dịch và lây lan sang các loại cây trồng khác...

 

Thái Ninh