Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Tập trung phát triển dược liệu theo chiều sâu
Ngày đăng: 17/07/2019  16:05
Mặc định Cỡ chữ
Thực hiện Chương trình hành động triển khai 3 lĩnh vực đột phá trong phát triển KT-XH năm 2019 của tỉnh, cùng với các sở ngành, địa phương liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chiều sâu, đặc biệt là các sản phẩm từ Đảng sâm và Sâm Ngọc Linh.

 

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới tán rừng trên núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông

 

Phát triển các sản phẩm chủ lực theo chiều sâu là phải chuẩn hóa sản phẩm về quy cách, đóng gói, bao bì, truy xuất nguồn gốc, tạo thương hiệu, tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại thường niên các cấp tỉnh, Quốc gia và Quốc tế. Các loại dược liệu phải được sản xuất theo đúng quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, giống dược liệu phải được công nhận...

 

Để phát triển một số sản phẩm chủ lực của tỉnh theo chiều sâu, đặc biệt là các sản phẩm từ Đảng sâm và Sâm Ngọc Linh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã cùng các địa phương đã triển khai quyết liệt các giải pháp để bảo tồn, đầu tư và phát triển có chiến lược các loại cây dược liệu đặc hữu của địa phương; hình thành chuỗi liên kết giá trị và phát triển thương hiệu dược liệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Đảng sâm Kon Tum như tăng cường thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước; hình thành vườn ươm giống gốc, giống thương phẩm và quyết tâm hình thành ít nhất 02 cơ sở sản xuất giống Sâm Ngọc Linh.

 

Đối với thu hút đầu tư, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có tiềm lực, công nghệ, kinh nghiệm tham gia trồng, chế biến sâm Ngọc Linh.

 

Tỉnh đã tổ chức rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch và vùng chỉ dẫn địa địa lý “Ngọc Linh” để thu hút đầu tư phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh tập trung quy mô lớn; gắn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển dược liệu dưới tán rừng; đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh cho doanh nghiệp thuê rừng để trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng theo Phương án để quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, kết hợp với phát triển cây Sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông.  

 

Hiện nay, đã tham mưu UBND tỉnh giao rừng, cho thuê rừng để trồng Sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu khác dưới tán rừng đối với 05 doanh nghiệp với tổng diện tích 7.370,19 ha tại huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông.

 

Về hình thành vườn ươm giống gốc, giống thương phẩm dược liệu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với UBND huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông thống nhất nội dung tham mưu UBND tỉnh  hình thành vườn ươm. Trong đó, hình thành 3 vườn ươm, quy mô 5 ha đến năm 2020 để nhân nuôi, bảo tồn giống gốc các loài dược liệu địa phương (Đảng sâm, Lan kim tuyến, Đương quy, Ngũ vị tử và các loài dược liệu khác) phục vụ bảo tồn giống gốc, sản xuất giống thương phẩm trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông.

 

Còn đối với việc hình thành cơ sở sản xuất giống Sâm Ngọc Linh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh giao Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Đăk Tô có phương án cung ứng cây giống và hạt giống sâm Ngọc Linh để thu hút 19 dự án trồng, chế biến dược liệu và hỗ trợ giống thực hiện liên kết trồng sâm Ngọc Linh. Phấn đấu hình thành ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống Sâm Ngọc Linh tại Tu Mơ Rông, 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu khác tại huyện Kon Plông.

 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Hội nghị đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bổ sung đặc cách giống Sâm Ngọc Linh vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, hiện đã được Hội đồng Khoa học thẩm định hồ sơ.

 

Ngoài ra, tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ý kiến đối với dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm để làm cơ sở ban hành theo quy định, phục vụ công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng và chất lượng các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, đồng thời áp dụng sản xuất phát triển vùng nguyên liệu.

 

Đối với “Quy chuẩn kỹ thuật về sâm Ngọc Linh” đã được Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo quy định. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, kế thừa các kết quả nghiên cứu liên quan để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật các loài dược liệu địa phương khác, trình cấp thẩm quyền ban hành theo quy định.

 

Về phương án thí điểm giao rừng, cho thuê rừng đặc dụng để phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng và trình UBND tỉnh. Trong đó, dự kiến giao rừng, cho thuê rừng đặc dụng khoảng 1.222 ha (hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn thực hiện 654 ha, còn lại là tổ chức kinh tế).

 

Các đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung quy định giá cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Trình UBND tỉnh để tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự thảo “Đề án tổng thể về quản lý, đầu tư, phát triển sản phẩm Quốc gia Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum”; Hướng dẫn các huyện thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu...

 

Hy vọng với sự vào cuộc chủ động, tích cực của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các ngành, địa phương, doanh nghiệp, việc bảo tồn, đầu tư và phát triển có chiến lược các loại cây dược liệu đặc hữu địa phương; hình thành chuỗi liên kết giá trị và phát triển thương hiệu dược liệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Đảng sâm Kon Tum sẽ đạt mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

 

Bài, ảnh: Dương Nương