Thứ 3, Ngày 23/04/2024 -

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI - Bản lĩnh chính trị của Đảng ta một lần nữa được khẳng định (Phần 1)
Ngày đăng: 24/10/2012  08:44
Mặc định Cỡ chữ
Hơn 80 năm giữ vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, Đảng ta luôn phấn đấu xây dựng và chỉnh đốn để thực sự là đạo đức, là văn minh. Với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, Đảng đã chèo lái con thuyền Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tôn dày kinh nghiệm và truyền thống cách mạng của Đảng.

 

Ảnh minh họa: Dương Nương

Bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện ở sự kiên định, dứt khoát lựa chọn, nắm vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa Xã hội; lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản; là sự thể hiện tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo, là phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường của dân tộc, nội lực của đất nước trong mọi chủ trương, đường lối của đảng. Bản lĩnh chính trị của Đảng ta còn thể hiện trong quán triệt và thực hiện lời dạy của Bác “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong bất cứ hoàn cảnh dù thuận hay khó khăn từ cao trào cách mạng năm 1930-1931, cho tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giai đoạn 9 tháng “ngàn cân treo sợi tóc” của chính quyền cách mạng còn non trẻ (1945-1946) và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam; sau ngày Miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất và đi lên xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, cùng với những thuận lợi, đất nước đã phải chống chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây - Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc; trấn áp các nhóm phản động FULRO, lực lượng nguỵ quân, nguỵ quyền chế độ cũ; chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua cơn biến động lớn của thế giới với sự sụp đổ của chế độ Xã hội Chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô; từng bước đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội … Qua hơn 25 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế bản lĩnh chính trị của Đảng ngày càng được tôi luyện, vững vàng hơn. Trong những biểu hiện cụ thể, sinh động và đầy tính chiến đấu, tính cách mạng không thể không nói đến một bề dày lịch sử của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình được coi là quy luật phát triển, biện pháp căn bản về xây dựng đảng, là phương pháp giáo dục cán bộ, đảng viên. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó về công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với cán bộ, đảng viên các cấp. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng và báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI nêu tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI được toàn đảng, toàn dân đánh giá là một động thái, một thành công bước đầu về công tác xây dựng đảng và nâng cao bản lĩnh chính trị của toàn đảng trong tình hình mới. 

Hội nghị BCH TƯ lần thứ tư đã thẳng thắn đưa ra nhận định về đội ngũ cán bộ đảng viên, đó là: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trong đó nổi lên một số vấn đề cấp bách: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Đội ngũ cán bộ cấp Trung ương, cấp chiến lược rất quan trọng nhưng chưa được xây dựng một cách cơ bản. Công tác quy hoạch cán bộ mới tập trung thực hiện ở địa phương, chưa thực hiện được ở cấp trung ương, dẫn đến sự hẫng hụt, chắp vá, không đồng bộ và thiếu chủ động trong công tác bố trí, phân công cán bộ. Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước; Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. Một lần nữa bản lĩnh chính trị của Đảng ta được khẳng định thông qua việc thẳng thắn tự kiểm điểm quá trình lãnh đạo đất nước của mình. Về việc tự kiểm điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng Đảng là một tập hợp những đảng viên, “không phải mọi người đều tốt, mọi việc đều hay” và cũng có “người thế này, người thế nọ”, mỗi người “đều có cái thiện và cái ác trong lòng”, việc tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng không phải là con đường thẳng tắp đầy thuận lợi mà tất yếu trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức và những khuyết điểm yếu kém và [1] “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn chân chính” ...
 
Nội dung kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này bao gồm: (1) Về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc thực hiện Quy định những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng và từng đảng viên, người đứng đầu về tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái. (2) Những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, nhất là trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ; tình trạng một số trường hợp bố trí cán bộ không đúng, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, quản lý, sự phát triển của ngành, địa phương. (3) Những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; quyền hạn và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là của người đứng đầu… nhằm tạo được chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế yếu kém trong công tác xây dựng Đảng ngay trong nhiệm kỳ khoá XI… cũng thể hiện rõ quyết tâm chính trị, bản lĩnh chính trị của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. 
                                                           
A Phúc


[1] Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI