Thứ 4, Ngày 14/05/2025 -

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Lào: Kon Tum và Attapư (Lào) - Những năm đầu sau giải phóng
Ngày đăng: 05/09/2012  03:52
Mặc định Cỡ chữ

Kon Tum và Attapư (Lào) cùng nằm trên ngã ba biên giới Đông Dương, dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nhân dân hai tỉnh có mối quan hệ thân thuộc, láng giềng, luôn đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống và cả trong chiến đấu chống lại kẻ thù chung. Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân hai tỉnh đã đã sát cánh bên nhau đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược. Sau thắng lợi của Việt Nam, Lào năm 1975, tỉnh Kon Tum và Gia Lai được sát nhập làm một (tháng 10-1975), Đảng bộ và nhân dân Gia Lai - Kon Tum có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị với  tỉnh bạn Attapư.

Tháng 4-1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 251 về tăng cường đoàn kết giúp đỡ và hợp tác với cách mạng Lào trong giai đoạn mới. Tiếp đến, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 21 hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể đoàn kết hợp tác với Lào, cho phép các tỉnh của Việt Nam kết nghĩa với các tỉnh của nước bạn Lào. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, từ tháng 10-1977, tỉnh đã liên hệ xin cán bộ biết tiếng Lào và thông thuộc địa hình tỉnh Attapư, thành lập Ban hợp tác kinh tế-văn hoá với Attapư. Năm 1978, tỉnh thành lập Ban Biên giới để giúp tỉnh thực hiện Hiệp định Biên giới giữa hai nước. Tháng 9-1979, tỉnh thành lập Chi hội Hữu nghị Việt Lào tỉnh.
 
Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, tháng 10-1978, Đoàn đại biểu đầu tiên của tỉnh Gia Lai - Kon Tum do đồng chí Tạ Quang Kim, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn, sang thăm và làm việc chính thức với các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền tỉnh Attapư. Đoàn đã tiến hành trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh bạn về vấn đề kết nghĩa và viện trợ, hợp tác giữa hai tỉnh; đồng thời, hai bên đã ký kết chính thức về quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, đánh dấu sự phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum và Attapư. Cũng từ cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên này, về sau, hàng năm, hai bên đã cử các đoàn đại biểu, đoàn công tác của tỉnh mình sang tỉnh kết nghĩa thăm viếng, thông báo tình hình, trao đổi kinh nghiệm, kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch hợp tác, thực hiện các ký kết hoặc thoả thuận mới…
 
Bệnh viện đa khoa Attapư do tỉnh Gia Lai - Kon Tum xây tặng năm 1985.
 
Sau ngày mới giải phóng, tỉnh Gia Lai - Kon Tum cũng như Attapư đều gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau “Hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nữa”. Gia Lai - Kon Tum đã đẩy mạnh việc hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng học sinh, cán bộ; đồng thời viện trợ kinh tế và trao đổi hàng hoá, nhằm giúp bạn khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Từ năm 1979 đến năm 1983, tỉnh ta đã cử nhiều đoàn cán bộ công nhân kỹ thuật thuộc các lĩnh vực xây dựng, y tế, nông-lâm nghiệp sang giúp Attapư khảo sát, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt với việc giúp bạn xây dựng đường quốc lộ 18 dài 120 km nối liền Gia Lai - Kon Tum với Attapư và bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 100 giường bệnh là những công trình viện trợ lớn nhất giữa tỉnh Gia Lai - Kon Tum và Attapư, và là cơ sở vật chất kỹ thuật lớn đầu tiên đi lên CNXH của tỉnh Attapư. Bên cạnh đó, trong những năm sau giải phóng, tỉnh Gia Lai - Kon Tum một mặt cử chuyên gia và cán bộ công nhân kỹ thuật sang giúp bạn tại chỗ, đồng thời nhận giúp đào tạo, bồi dưỡng học sinh, cán bộ cho bạn. Từ năm 1982 đến năm 1983, tỉnh Gia Lai - Kon Tum đã cử các đoàn cán bộ, chuyên gia sang hướng dẫn, tập huấn cho bạn trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ lợi, thông tin liên lạc. Trong khoảng 5 năm sau giải phóng, tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã tiếp nhận của tỉnh bạn gần 200 học sinh bậc tiểu học đào tạo chuyên tu tiếng Việt và nâng cao trình độ văn hoá lên hết cấp II, cấp III. Trong đó, một số em tốt nghiệp cấp III, chuyển về nước đi đại học; số còn lại tốt nghiệp cấp II và được chuyển vào trung học chuyên nghiệp tại Hà Nội, Đăk Lăk, Pleiku. Ngành văn hoá, thể thao, du lịch đã tiếp nhận bồi dưỡng kỹ thuật cho nhiều cán bộ, diễn viên, vận động viên của bạn tại Pleiku. Từ chuyến hàng viện trợ đầu tiên cho Atôpư vào ngày 8-4-1979, đến năm1991,  hàng viện trợ được Gia Lai - Kon Tum chuyển sang Attapư 2.320 tấn muối ăn, 20 tấn hàng công nghệ phẩm, 2 tấn thuốc thú y, trên 600 tấn xăng, dầu, một số máy móc, thiết bị.... Ngược lại, Attapư đã giao cho thương nghiệp tỉnh Gia Lai - Kon Tum 6 tấn đồng phế liệu, 25.000 mét vải, 20.095 tấn nhựa thông, 44kg gạc nai, 14 tấn cà phê, 23 tấn võ bời lời, 5.669 kg sa nhân, 1,6 tấn mã tiền, 600 tấn lúa…để đổi lại các sản phẩm theo nhu cầu của bạn.
 
Xây dựng và bảo vệ biên giới hoà bình, hữu nghị là một trong những yếu tố quan trọng để giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết giữa 2 tỉnh. Nhận rõ điều đó, từ ngày Việt Nam và Lào hoàn toàn giải phóng, đường biên giới 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Attapư đã được các bên cùng nhau xây dựng trở thành đường biên giới hữu nghị xã hội chủ nghĩa thực sự. Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước Việt Nam - Lào ký ngày 18-7-1977, từ đầu năm 1979, đến tháng 4-1980, hai bên đã hoàn thành công tác cắm mốc đợt 1 với 16 cột mốc quốc giới. Công tác phân giới cắm mốc giữa Gia Lai - Kon Tum với tỉnh bạn Lào đã được triển khai đúng pháp lý, vượt thời gian, đạt chất lượng, bảo đảm tình đoàn kết, hữu nghị trọn vẹn. Để bồi đắp tình hữu nghị và  tránh gây căng thẳng trong quan hệ biên giới, tháng 3-1976, tỉnh ta đã vận động đưa 5 làng của xã Bờ Y đang sinh sống sát đường biên giới di dời về sâu trong nội địa; trong năm 1980, tỉnh cũng đã chuyển giao vùng đất thuộc các xã Đăk Blô, Đăng Nông, Đăk Dục của huyện Đăk Glei với diện tích 70km2, gồm 232 hộ, 1.081 nhân khẩu người đồng bào dân tộc Dẻ-Triêng sang Saravan (Lào) quản lý. Để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, các bên đã ký kết các văn bản hợp đồng chiến đấu trong khu vực ngã ba biên giới, phối hợp, thống nhất kế hoạch quản lý xuất nhập cảnh, chống địch xâm nhập, phá hoại, đảm bảo trật tự xã hội và an ninh biên giới.
 
Những năm đầu sau giải phóng, tình hình hai nước Việt Nam - Lào nói chung và hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Attapư nói riêng đứng trước muôn vàn khó khăn bởi hậu quả chiến tranh để lại. Tuy nhiên, quán triệt sâu sắc quan điểm Đảng, Chính phủ và lời căn dặn Chủ tịch Hồ chí MinTỉnh Gia Lai - Kon Tum một mặt thực hiện những nhiệm vụ, kế hoạch do Trung ương giao hàng năm và bằng nổ lực chủ quan của mình, đã thực hiện tốt các thoả thuận, ký kết với tỉnh bạn, góp phần giữ vững và tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa hai tỉnh, hai đất nước.
 
Bài, ảnh: Minh Hải